Cờ vua vẫn bị lấn cấn là có phải một môn thể thao hay không. Nhưng nó lại có một vị trí rất quan trọng trong bảng vàng VĐV tiêu biểu hàng năm.
Những ông thầy hàng đầu
Trong làng Cờ vua VN, có 2 ông thầy có nhiều học trò thành đạt nhất là Nguyễn Bảo Tài (TT-Huế) và Trịnh Hoàng Cường (Kiên Giang).
HLV Nguyễn Bảo Tài là thầy của Nguyễn Thị Thuận Hoá, KTQT. Hiện nay Thuận Hoá đã trở thành phu nhân của thầy Tài và đang cùng chồng huấn luyện môn Cờ vua đất cố đô. Ngoài Thuận Hoá, thầy Bảo Tài còn có nhiều học trò xuất sắc là Nguyễn Thanh Sơn - vô địch U20 châu Á 2001, Nguyễn Phú - HCĐ U16 châu Á (1993), Nguyễn Thị Ngân Bình - HCB giải vô địch ĐNA, Hoàng Xuân Thanh Khiết - VĐQG năm 2004, thành viên đội Cờ vua Việt Nam tham dự giải Cờ vua Olympic, Bảo Trâm - người đang tham gia giải cờ vua U20 châu Á 2004 và đã chắc chắn có HC. Nếu chiến thắng ở ván cuối cùng, Bảo Trâm sẽ có HCV.
HLV Trịnh Hoàng Cường vốn người Hà Nội, từng dạy Cờ vua ở Đồng Nai rồi định cư ở Kiên Giang. Là thầy trực tiếp của học trò xuất sắc Nguyễn Ngọc Trường Sơn - VĐ thế giới U10 giải cờ vua trẻ năm 2000, 2 HCV, 1 HCĐ giải trẻ châu Á, đoạt danh hiệu KT FIDE, đoạt danh hiệu KTQT, và vừa hoàn tất tiêu chuẩn phong Đại KTQT .
Một học trò khác của thầy Hoàng Cường là Phạm Bích Ngọc (14 tuổi) - HCV, HCĐ giải trẻ châu Á (U10, U12), 3 HCV, 1 HCB các giải trẻ ASEAN (2000 - 2004), 3 HCV HKPĐTQ 2004, KT FIDE, VĐQG cờ nhanh 2004, HCB đồng đội châu Á U14.
Hai học trò thành tích còn... khiêm tốn so với Trường Sơn và Bích Ngọc là Phạm Đức Thắng (16 tuổi) - 3 HCV, 1 HCB giải trẻ ASEAN, hạng nhì đồng đội tại Liên hoan Cờ thiếu nhi châu Á, KTQG; Võ Thành Ninh - 2 HCV giải trẻ ASEAN, KTQG.
Thầy Hoàng Thanh Chương rất nổi tiếng với VĐV và là bố đẻ Hoàng Thanh Trang. Thanh Trang là cô gái Việt Nam đầu tiên đoạt điểm chuẩn KTQT nam. Thầy Chương tuy không nhiều học trò nhưng với thầy, "ít mà tinh" vẫn là tiêu chí làm việc. Một lý do khác, thầy hành nghề tại Hungari nên ít có điều kiện chọn học trò người Việt.
Bà Rịa - Vũng Tàu có HLV Nguyễn Đức Thắng. Là người phải đi nạng do hai chân bị liệt từ bé nhưng thầy Thắng vẫn là một HLV giỏi, rất nhiệt tình với công việc. Thầy là "sư phụ" của nhà vô địch U16 châu Á năm 1993 Đinh Đức Trọng. Rất thông cảm với hoàn cảnh của thầy, sau giải VĐ U16 châu Á này, một nữ HLV người Úc đã xin cho thầy một học bổng đến nước này tu nghiệp nhưng thầy từ chối, quyết tâm gắn bó với đồng lương ít ỏi ở nhà văn hoá Bà Rịa - Vũng Tàu. Nay thầy vẫn gắn bó với công việc đào tạo VĐV Cờ vua cho tỉnh và là người luôn được LĐ Cờ Việt nam ủng hộ. Bà Rịa - Vũng tàu thường xuyện được đăng cai những giải Cờ vua lớn chính vì uy tín của thầy Thắng và tình cảm của LĐ Cờ đối với thầy.
Vị trí trên bảng Vàng
Cờ vua là môn thể thao "bé hạt tiêu" ở nước ta nhưng nếu thống kê danh hiệu trong các cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu hàng năm của Báo TTVN thì người hâm mộ sẽ giật mình thấy môn này không "bé" tí nào.
Từ năm 1981 đến năm 2000, môn Cờ vua đã có 17 lần VĐV nằm trong danh sách 10 VĐV xuất sắc của năm, có nghĩa là đạt tỉ lệ 0,8 VĐV/năm trong đó có:
1 lần thứ 10 (Đặng Vũ Dũng - 1982).
2 lần thứ 9 (Đặng Tất Thắng - 1981, Hoàng Thanh Trang - ).
1 lần thứ 7 (Nguyễn Anh Dũng - 1993).
1 lần thứ 6 (Từ Hoàng Thông - 1986).
2 lần thứ 5 (Đặng Tất Thắng - 1983, Hoàng Thanh Trang - 1992).
3 lần thứ 4 (Đặng Tất Thắng - 1983, Khương Hồng Nhung - 1991, Nguyễn Thị Dung - 1994).
2 lần thứ 3 (Đào Thiên Hải - 1990, Hoàng Thanh Trang - 2000).
3 lần thứ 2 (Hoàng Thanh Trang - 1996, 1998, Nguyễn Ngọc Trường Sơn - 2000).
2 lần thứ nhất (Đào Thiên Hải - 1993, Nguyễn Ngọc Trường Sơn - 2004 ).
Tính đến năm 2000, Hoàng Thanh Trang dẫn đầu với 5 lần được bầu chọn (2 lần thứ nhì, 1 lần thứ 3, 1 lần thứ 5, 1 lần thứ 9). Người thứ 2 là Đặng Tất Thắng (1 lần thứ 9, 1 lần thứ 5, 1 lần thứ 4), người thứ 3 là Đào Thiên Hải (1 lần thứ 3, 1 lần thứ nhất). Nguyễn Ngọc Trường Sơn chỉ xếp thứ tư về số lần (2 lần) nhưng đều là 2 vị trí cao nhất và kỳ thủ Kiên Giang này mới chỉ 14 tuổi.
Ông Đặng Tất Thắng hiện nay đã là Phó Chủ tịch LĐ Cờ VN. Theo ông, nếu muốn một VĐV trẻ chiếm lĩnh đỉnh cao Cờ vua nhà nghề thì mỗi năm phải đầu tư 100.000 USD/người trong khi kinh phí cho tất cả VĐV VN thi đấu nước ngoài chỉ có 50.000 USD/năm!
Hải Dương
(Nguồn: Việt Báo)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét